Hỗ trợ khách hàng

Tư vấn bán hàng

Click to call

HOTLINE

0908 232 965 Mr Đại

Thông tin chi tiết tin tức

<< Quay lại

Hương Lâm, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nổi tiếng bởi tục danh Vương quốc gỗ lậu.

Những đầu nậu cộm cán trong nghề buôn lậu gỗ giờ đã hoàn lương lắc đầu, lè lưỡi khi nghe chúng tôi đặt  vấn đề vào tận nơi để mục sở thị.

Họ bảo, vương quốc ấy đang duy trì một thứ luật lệ riêng, vào đó họa có cả gan uống mật… hổ.

Chúng tôi không tin có một vương quốc như thế. Vậy là cả nhóm quyết đột nhập Hương Lâm theo cách riêng của mình.

Kỳ 1: Toàn cảnh gỗ lậu

Giật mình trước cảnh tượng gỗ  lậu có mặt ở khắp nới. Hàng đống gỗ lộ thiên hai bên đường, trong vườn nhà, từ đầu làng đến cuối xóm... đâu đâu cũng thấy gỗ lậu. Gỗ lậu xuất hiện ở Hương Lâm như một phần tất yếu của cuộc sống.

Khu thương mại tự do

Là xã biên giới miền núi rẻo cao của huyện Hương Khê, Hương Lâm (Hà Tĩnh) nằm giáp ranh với Quảng Bình và có đường biên giới với nước bạn Lào. Vị trí này được các trùm buôn gỗ lậu xem là đắc địa để khai thác và tập kết gỗ lậu.

Đã bao đời, người dân Hương Lâm sống dựa vào rừng và nay vẫn vậy. Hết rừng gần thì họ tìm rừng xa, vào Quảng Bình hoặc vượt biên giới sang tận Lào để khai thác gỗ, nuôi sống gia đình.

Ở Hương Lâm, thước đo về sự giàu có, sung túc là lượng gỗ dự trữ trong mỗi nhà. Của hồi môn cho con cái khi dựng vợ gả chồng cũng bằng gỗ.

Con đường độc đạo - Tỉnh lộ 17, nối từ đường Hồ Chí Minh vào Hương Lâm được thảm nhựa khá phẳng. Con đường này đã giúp Hương Lâm hoà nhập nhanh với thế giới bên ngoài, nhưng lại góp phần cho người ta tàn phá kiệt quệ tài nguyên rừng không chỉ của Hương Lâm.

Lâm tặc dựng lều ngay trong rừng để khai thác gỗ.

Trên con đường này, mỗi ngày có hàng chục lượt xe vào ra, cõng trên trên mình cả trăm mét khối gỗ của Nhà nước và của các trùm buôn gỗ lậu. Nhưng, hình như không ai quan tâm đến điều đó, bởi của Nhà nước hay của lâm tặc, tất cả đều bình đẳng như nhau, không ai kiểm soát, không ai bắt giữ.

Gỗ được cất trữ, hay mua bán ở Hương Lâm đều diễn ra công khai, không lén lút. Chính quyền, các cơ quan chức năng ở đây, hình như xem đó như là điều đương nhiên và tất yếu.

Gỗ khai thác về được để lộ thiên ngay bên vệ đường, trong vườn nhà mà không hề có sự che đậy, có chăng là để tránh sự tác động của thời tiết. Mà số này rất hiếm gặp, bởi gỗ về bao nhiêu là được các trùm buôn lậu ở đây thu gom hết, cho lên xe về xuôi, tỏa đi các hướng.

Gỗ được để lộ thiên 2 bên đường, không cần che đậy.

Có lẽ, không nơi nào người ta lại dựng lên nhiều barie như ở Hương Lâm. Từ cửa rừng, đến các ngả đường trong xã đều có barie kiểm soát lâm sản. Nhưng người ta dựng lên không phải để kiểm soát mà để thu tiền “luật” của dân và các trùm buôn gỗ lậu, mà chỉ có một nhóm người được xem là “con ông, cháu cha” mới có quyền làm việc ấy.

Thậm chí, người ta xem đây như là một nguồn thu chính đáng cho ngân sách địa phương.

Câu chuyện về người Hương Lâm lật xe của kiểm lâm khi vào thu gom gỗ lậu trong dân cách đây mấy năm, rồi những cuộc hỗn chiến (có cả hàng nóng) giữa các trùm buôn lậu gỗ được người ta “giới thiệu” như là một “thương hiệu” bất khả xâm phạm trong lĩnh vực gỗ lậu nơi đây. Người ta ví Hương Lâm như là “khu thương mại tự do” của gỗ lậu là vì vậy.

 

Gỗ ở đâu về?

 

Hương Lâm có hơn 6.000 dân, thì có đến hơn 2/3 trong số họ tham gia phá rừng. Theo nhiều người ở đây thì rừng ở Hương Lâm cơ bản đã được cạo trọc cách đây gần chục năm.

 

Hiện nay, gỗ chủ yếu được người ta khai thác từ những cánh rừng của Quảng Bình và Lào. Nhiều nhất, tập trung nhất vẫn là vùng rừng của 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, thuộc vùng giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh. Vùng rừng này có nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, dỗi, táu, gõ...

 

 

 

Chỉ không đến 1 năm nữa, 2 loại lim và sến sẽ không còn một cây mà ngắm.

 

Để khai thác được, người ta tổ chức thành từng nhóm, mang theo đồ ăn thức uống, lều bạt và những phương tiện hành nghề khác.

 

Họ dựng lều ngay trong rừng, tìm gỗ khai thác theo đơn đặt hàng hoặc những loại gỗ bán được giá. Mỗi nhóm từ 4 đến 5 người, với phương tiện chủ yếu là cưa xăng, mỗi ngày họ khai thác được từ 3m3 đến 4m3 gỗ.

 

Một lâm tặc ở Hương Lâm cho biết: vùng rừng thuộc xã Thanh Hóa, Hương Hóa, Thuận Hóa (Tuyên Hóa) cơ bản đã bị họ thanh toán xong, hiện toàn bộ lâm tặc đang kéo nhau lên vùng rừng Cha Lo, thuộc xã Dân Hóa (Minh Hóa).

 

Gỗ khai thác, được đưa về bằng 2 con đường: sau khi khai thác, gỗ được đóng thành bè cho xuống các khe suối để về xuôi, đoạn nào bè không đi được thì dùng trâu kéo, đến đường chính thì dùng công nông chở về Hương Lâm.

Đi đường này tuy vất vả nhưng bán được giá; hoặc, các trùm buôn lậu gỗ lên tận nơi khai thác tìm mua, cho lên xe ôtô, xuôi quốc lộ 12A, về đến ngã 3 Khe Ve, theo đường Hồ Chí Minh ra tập kết ở Hương Khê (Hà Tĩnh) rồi tìm đường tiêu thụ.

 

Một trùm buôn lậu gỗ ở La Khê (Hương Khê) tâm sự: “Để đưa một xe gỗ từ nơi khai thác về đến đây (La Khê) bọn tui phải đi qua gần chục trạm kiểm soát của 2 huyện Minh Hoá và Tuyên Hóa, rồi các tổ cơ động của tỉnh, tiền làm luật cho mỗi chuyến xe bình quân 4 triệu đồng”.

 

Gã này khẳng định, với tốc độ khai thác như hiện nay, chỉ cần không đến 1 năm nữa vùng rừng giáp ranh của Quảng Bình, hai loại gỗ lim và sến không còn lấy một cây để ngắm.